Vấn đề mai một và bảo tồn Nghề thêu Quất Động

Trong thời kỳ ảnh hưởng của sự suy giảm kinh tế, sự phát triển kỹ thuật cùng nhiều nhân tố khác, việc phát triển sản phẩm thêu ren ở làng Quất Động đang gặp nhiều khó khăn và mai một.[25][40][41] Những năm 2000, làng Quất Động chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của những khu công nghiệp, nhà máy xây dựng. Qua đó, nhiều lựa chọn nghề nghiệp cũng như thu nhập được mở ra khiến cho người trẻ đang dần rời xa nghề truyền thống.[13][19] Một nghệ nhân trong làng cho biết nghề thêu đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần mẫn, nên lứa tuổi thanh niên ít người theo nghề, ngoài ra việc thu thập thấp cũng là nguyên nhân khiến nhiều người không thể trụ lại với nghề.[42][43] Một số người dân trong làng đã phải lên Hà Nội làm công nhân tại các công ty may mặc hoặc bán tranh thêu cho đơn vị xuất khẩu.[43][40] Hiện nay nhiều cơ sở trên toàn Việt Nam đã đầu tư, nhập khẩu nhiều thiết bị máy móc thêu hiện đại, nhưng sản phẩm thêu máy lại không đạt được yêu cầu về mặt tinh xảo, mềm mại như cách làm thủ công. Báo điện tử VOV cho rằng đó là lý do mà nghề thêu thủ công của làng Quất Động ngày càng phát triển.[1] Tuy vậy cũng có tờ báo cho rằng trong nền kinh tế thị trường hiện nay của Việt Nam, một làng nghề thêu như làng Quất Động để phát triển được không phải là "chuyện dễ dàng".[5]

Năm 2013, tranh thêu Trung Quốc hiện đã xuất hiện nhiều trong các cửa hàng của Việt Nam và trở thành đối thủ cạnh tranh của dòng tranh thêu truyền thống.[42] Đi kèm với việc kinh tế giai đoạn thời bấy giờ đang gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ tranh thêu vốn đã chậm lại khó khăn nhiều hơn. Có những thời điểm làng nghề thêu tranh Quất Động đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Nhiều nhà ở trong thôn đã bỏ nghề, nhiều thợ thêu bị mất nghề.[42]

Một họa sĩ cho rằng nghề thêu tại các làng truyền thống chưa từng được người dân coi là nghề kinh doanh mang lại lợi nhuận lớn, mà chỉ đơn giản là việc làm trong lúc rảnh rỗi trong phạm vi đời cha truyền con nối. Qua đó, không có người chịu đứng ra đầu tư, sáng tạo, nâng cấp để thích ứng với thời đại mới. Họa sĩ này còn nhấn mạnh việc các sản phẩm thêu lâu nay vẫn chỉ là những hình mẫu thêu tay đơn giản, quen thuộc tới mức "nhàm chán", nên cho rằng không có người chú ý đến dòng tranh này "là điều đương nhiên".[44]

Biện pháp

Mặt khác, báo Nhân dân cũng cho rằng nghề thêu "ảm đạm", nhưng khẳng định không vì thế mà chính quyền địa phương giảm bớt mối quan tâm với những giá trị cốt lõi của nghề thêu vốn có từ nhiều đời.[45] Vào ngày 12 tháng 6 Âm lịch hằng năm, đại diện chính quyền sẽ đến đình làng, nơi diễn ra ngày hội nghề thêu quan trọng trong năm để cùng người dân tổ chức và thực hiện các nghi lễ quan trọng.[45] Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng thường xuyên gây quỹ để tài trợ động viên các lớp học của những nghệ nhân nhằm duy trì và khuyến khích việc truyền dạy và bảo tồn nghề.[45] Để thích ứng với việc cạnh tranh trong kinh tế, làng Quất Động kết hợp giữa yếu tố truyền thống với hiện đại, đồng thời tận dụng cơ chế mở để phát triển du lịch. Hiện nay, làng nghề thêu ren Quất Động thu hút nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài đến tham quan và mua tranh.[5] Cán bộ xã Quất Động cho biết để duy trì làng nghề, xã này sẽ triển khai các biện pháp quảng bá sản phẩm làng nghề, đồng thời thi hành chính sách thích hợp nhằm giữ vững nghề truyền thống.[22]

Một nữ nghệ nhân trẻ tuổi tại làng Quất Động đã nỗ lực khôi phục lại ngành nghề truyền thống của làng mình bằng cách mở lớp dạy thêu và lan rộng danh tiếng của sản phẩm thêu tay Quất Động bằng những món hàng lưu niệm đem đi tặng. Kết quả, cô đã thu về nhiều sự yêu thích những khách hàng nước ngoài.[46]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nghề thêu Quất Động http://arit.gov.vn/tin-tuc/suc-song-nghe-theu-c508... http://dsvh.gov.vn/Upload/files/Tap%20chi%20DSVH/S... http://sovhtt.hanoi.gov.vn/lang-nghe-theu-quat-don... http://langvietonline.vn/Lang-Pho/153536/Lang-theu... http://quocphongthudo.vn/van-hoa-xa-hoi/bang-khuan... https://web.archive.org/web/20151124001605/http://... https://web.archive.org/web/20170615071025/http://... https://web.archive.org/web/20210512135943/https:/... https://web.archive.org/web/20210518215010/https:/... https://web.archive.org/web/20220126223953/https:/...